YC Việt Nam thừa nhận sai sót trong quá trình khám, điều trị da

Liên quan đến bạn đọc P.T.T.B (42 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh về việc chi 260 triệu đồng cho cơ sở nhận là "phòng khám" YC Việt Nam để điều trị da, phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã có buổi làm việc, xác nhận thông tin tại cơ sở YC Việt Nam (số 85 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tại buổi làm việc này, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (SN 1997) - Quản lý YC Việt Nam xác nhận thông tin Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) tiếp nhận là đúng sự thật và khách hàng P.T.T.B đã đề nghị thanh lý hợp đồng từ thời điểm trước Tết Nguyên đán vì cho rằng điều trị không hiệu quả. Tuy nhiên, do quản lý cơ sở chưa tiếp cận được với khách hàng và nhân viên không có nghiệp vụ xử lý, dẫn đến chưa thể giải quyết thỏa đáng cho khách hàng B.

Đại diện "phòng khám" YC Việt Nam thừa nhận đã thực hiện phương pháp khám da bằng thiết bị soi chiếu trên bề mặt da mà không thực hiện tiêu chuẩn "vàng" trong khám bệnh, chữa bệnh là cắt mô da để giải phẫu mẫu bệnh phẩm.

Chị Quỳnh cho biết, khách hàng điều trị theo liệu trình đã được gần 6 tháng. Ban đầu, khách hàng B được bác sĩ tại phòng khám kiểm tra, nhận định bằng mắt thường và thiết bị soi da. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ soi thêm để vừa chăm sóc da, vừa kết hợp điều trị bằng máy.

Quản lý cơ sở này thừa nhận "phòng khám" không tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm sinh thiết, giải phẫu, mà chỉ sử dụng thiết bị soi da thông thường để chẩn đoán bệnh.

"Với khách hàng B, khi soi da, bác sĩ chẩn đoán bị viêm nang lông và tăng sắc tố da. Tình trạng tăng sắc tố thì với chuyên môn bác sĩ, nhìn bằng mắt thường có thể chẩn đoán. Phòng khám không chẩn đoán từ bên trong cơ thể khách hàng vì căn bản khách chỉ điều trị da", chị Quỳnh cho hay.

Hình ảnh chị B cung cấp đến YC Việt Nam thời điểm chưa ký hợp đồng điều trị (19/9) so với hình ảnh sau gần 6 tháng điều trị, kết quả gần như không thay đổi. Thậm chí, phần cung chân mày của chị B bị xếch ngược. Tư liệu: NVCC

Các sản phẩm mỹ phẩm điều trị da do chị P.T.T.B cung cấp đều không thể hiện đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, cũng như đơn vị chịu trách nhiệm trên thị trường theo quy định.

Cũng theo chị Quỳnh: "Đến buổi điều trị thứ 2 mà cảm thấy không hiệu quả hoặc cho kết quả không cao, cơ sở sẽ thay đổi phác đồ điều trị… Việc điều trị da cho khách hàng nói chung và bạn đọc P.T.T.B nói riêng chủ yếu bằng máy (thiết bị bắn laser - PV). Riêng với khách hàng P.T.T.B, bác sĩ có thay đổi phác đồ điều trị nhưng vì điều trị bằng máy móc nên chỉ thay đổi, điều chỉnh bước sóng laser trên máy".

Về các sản phẩm mỹ phẩm bạn đọc cung cấp, quản lý "phòng khám" này thừa nhận, đây không phải là các sản phẩm trị nám, mà sản phẩm chỉ có công dụng cấp ẩm, làm dịu và phục hồi da sau dùng máy. Còn "melanin" chỉ là cái tên.

"Khách hàng B được tặng kèm mỹ phẩm, nhân viên hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng mỹ phẩm tại đây… Đây là những mỹ phẩm của YC", chị Quỳnh cho hay.

Thu tới 260 triệu đồng, YC Việt Nam không xuất hóa đơn VAT, không công khai bảng giá dịch vụ, cho dùng mỹ phẩm tự sản xuất

Quản lý cơ sở YC Việt Nam khẳng định, bác sĩ Lưu Mạnh Trung chỉ hợp tác với YC chứ không phải bác sĩ thực hiện chuyên môn chính. Đồng thời, chị này thừa nhận YC không xuất hóa đơn VAT cho khách khi thu 260 triệu đồng vì… khách hàng không yêu cầu.

Về giá dịch vụ, chị Quỳnh khẳng định: "Một phần chi phí của chị B liên quan đến điều trị, một phần chi phí là chăm sóc da. Các khách hàng có tình trạng da khác nhau nên trong quá trình thăm khám, nhân viên sẽ ghi ra và thông báo với khách giá dịch vụ qua hồ sơ trước để khách hàng nắm được chi phí. Khi khách đồng ý, khách mới bắt đầu ký hợp đồng sử dụng dịch vụ".

2 phiếu thu của cơ sở YC Việt Nam mà bạn đọc P.T.T.B nhận lại được đóng hàng chữ đỏ "không hoàn tiền dưới mọi hình thức". Ảnh: NVCC

Mặc dù một mực khẳng định "phòng khám" có bảng giá dịch vụ, có đủ các điều kiện hoạt động như phòng khám nhưng quản lý cơ sở này không đưa ra được các chứng cứ, giấy tờ dù phóng viên nhiều lần đề nghị. Đặc biệt, khi phóng viên đề nghị cung cấp các phiếu công bố mỹ phẩm, nhãn mác hoặc các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo yếu tố pháp lý trước khi được sử dụng trên cơ thể người thì quản lý cơ sở luôn quanh co để từ chối.

Quản lý cơ sở cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), YC Việt Nam sẽ liên hệ để giải quyết thỏa đáng cho khách hàng.

Trước đó, từ sự hướng dẫn của PV Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), bạn đọc P.T.T.B đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám, chẩn đoán tình trạng da.

Đến ngày 6/5, bạn đọc P.T.T.B đã cung cấp các kết quả xét nghiệm mô bệnh học của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho phóng viên.

Kết quả cho thấy, bạn đọc P.T.T.B được chẩn đoán mắc: Ochronosis ngoại sinh; bệnh khô da nhiễm sắc tố; rụng tóc không sẹo khác; Lichen Amyloid (thoái hóa dạng bột).

Bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán chị P.T.T.B mắc 4 bệnh về da, bao gồm: Ochronosis ngoại sinh; bệnh khô da nhiễm sắc tố; rụng tóc không sẹo khác; Lichen Amyloid (thoái hóa dạng bột). Ảnh: NVCC

Chuyên trang Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương về lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán phân biệt và hướng điều trị từng loại bệnh… từ kết quả chẩn đoán trên.

Như Chuyên trang Gia đình và Xã hội đã thông tin, chị P.T.T.B (42 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc vì điều trị các vấn đề về da tại 'Phòng khám' YC Việt Nam (số 85 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khoảng gần 6 tháng với chi phí 260 triệu đồng, không đạt kết quả như cam kết. Thậm chí là vùng lông mày 2 lần bị xếch ngược lên vùng trán. Trong khi trước đó, phòng khám luôn khẳng định chỉ cần thực hiện 1 lần duy nhất là xóa hết rãnh cười.

Đặc biệt, chị P.T.T.B được cơ sở này cung cấp 2 loại sản phẩm mỹ phẩm để tăng khả năng điều trị tình trạng thâm sần trên da.

Tuy nhiên, sau thời gian dài điều trị và được thay đổi phác đồ điều trị, tình trạng không khá hơn, chị B đã đề nghị được thanh lý hợp đồng dựa trên giá dịch vụ cơ sở của phòng khám. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, nhiều lần đề nghị, chị B vẫn không nhận được xử lý thỏa đáng từ "phòng khám". Trong khi đó, khoản tiền 260 triệu đồng mà chị B thanh toán chi phí điều trị da tại "phòng khám" YC Việt Nam là số tiền được gia đình chị B vay ngân hàng.

Sự việc này cũng khiến gia đình chị B thường xuyên xảy ra xô xát, "cơm không lành, canh không ngọt".

Liên quan đến cơ sở YC Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) khẳng định, Phòng khám Chuyên khoa da liễu trực thuộc Công ty TNHH YC Beauty Centrer (chỉ được hoạt động tại tầng 3) và hộ kinh doanh YC Việt Nam hoạt động tại tầng 1, tầng L, tầng 2 của tòa nhà tại địa chỉ 85 Bùi Thị Xuân.

Phòng khám chuyên khoa Da liễu trực thuộc Công ty TNHH YC Beauty Centrer do bà Trần Thị Thu Hà là bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS nội trú Vũ Thái Hà – giảng viên Bộ môn Da liễu (Trường đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa Khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết: "Xét nghiệm giải phẫu bệnh (xét nghiệm mô bệnh học, xét nghiệm tế bào học, xét nghiệm mô miễn dịch) là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán chính xác các bệnh lý bệnh nhân mắc phải.

Theo TS.BS Vũ Thái Hà, đối với bệnh lý về da, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm mô bệnh học được thực hiện trên mẫu mô da. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt mô da bệnh nhân để thực hiện giải phẫu. Bệnh phẩm sẽ được xử lý theo đúng quy tình xét nghiệm để đưa ra kết quả chính xác nhất về bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải.

Trong quá trình thực hiện tuyến bài, Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) mong các bạn đọc là nạn nhân của 'Phòng khám' YC Việt Nam hoặc nạn nhân của các cơ sở y tế không đảm bảo uy tín, phối hợp cung cấp thông tin để Chuyên trang tiếp tục có thêm những thông tin chân thực, khách quan phản ánh cảnh báo đến độc giả.

Mọi liên lạc xin liên hệ đường dây nóng: 0931.965.967; hoặc

Email: giadinhnet@suckhoedoisong.vn